Tổng kết giai đoạn 1 dự án giáo dục sức khỏe ban đầu và tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu

Ngày 27/12/2020 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe cộng đồng (CCHS) phối hợp với Sở Y tế tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo tổng kết hoạt động dự án “Giáo dục sức khỏe ban đầu và tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ” giai đoạn 1 (2017-2020) và khởi động dự án giai đoạn 2 (2020-2023). Tham gia hội thảo có các đại biểu đến từ UBND tỉnh Hậu Giang, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị… cùng với UBND huyện xã tham gia dự án và đại diện của các nhóm Phát triển cộng đồng ở các ấp.

Hình 1: Đại diện các cơ sở ban ngành tham gia dự buổi hội thảo tổng kết giai đoạn 1 của dự án

Qua 3 năm triển khai thực hiện, dự án đã đạt được các mục tiêu cơ bản đề ra trong giai đoạn 1 như: Sinh kế của hộ nghèo ở xã Vĩnh Viễn A được cải thiện; Thu nhập bình quân của 150 hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn được hưởng lợi từ dự án tăng trên 32% nhờ vào thúc đẩy các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu; 14 nhóm phụ nữ nghèo được hỗ trợ tài chánh với tổng mức chi là 885 triệu đồng; Và vận động khuyến khích các nhóm thực hành tiết kiệm được thêm 395 triệu đồng. Ngoài ra, dự án còn tổ chức khám và điều trị  bệnh phụ khoa cho cho các chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản với tổng 2.113 lượt khám và điều trị, giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh phụ khoa ở nhóm phụ nữ này giảm từ 76,2% xuống còn 20.1% (giảm 46,1%). Các hoạt động theo dõi, tư vấn dinh dưỡng trẻ em đã giúp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em từ 15.18% xuống còn 5.5% (giảm 9.68%). Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ hộ nghèo và khó khăn xây dựng 137 cầu tiêu hợp vệ sinh, khoan lắp đặt 59 giếng và cung cấp 319 bồn chứa nước loại 2.000 lít trong giai đoạn hạn mặn.

Hình 2: Các đại biểu lắng nghe báo cáo về các kết quả và tác động mà dự án đã đạt được trong giai đoạn 1

Bước sang giai đoạn 2 (2020 – 2023), dự án dự kiến tiếp tục duy trì các mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo phát triển sinh kế, cải thiện sức khoẻ và phòng chống Covid-19 thông qua các can thiệp như:

  1. Nạo vét kênh nội đồng và làm những cống nhỏ ngăn mặn tích nước cho sản xuất nông nghiệp; đồng thời thúc đẩy các mô hình hợp tác xã và kinh kế hợp tác cho hộ nghèo theo hướng chuỗi giá trị sản phẩm thế mạnh truyền thống như dứa, lục bình, nuôi lươn…
  2. Hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận nước sạch qua 3 hệ thống lọc nước mặn thành nước lọc tinh khiết dùng năng lượng mặt trời do các nhóm cộng đồng tự quản, với công suất 400 – 7000 lít nước/ giờ/ hệ thống
  3. Hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ phương tiện vệ sinh như cầu tiêu hợp vệ sinh, sử dụng biogas quản lý chất thải chăn nuôi, phân loại rác thải tại nguồn, thu gom rác…
  4.  Tổ chức khám chữa bệnh định kỳ cho phụ nữ và trẻ em với sự đồng hành của Bệnh viên đa khoa tỉnh và cơ quan bảo hiểm y tế.
  5. Xây dựng và vận hành quy trình dịch vụ y tế chống lây nhiễm Covid 19 tại các trạm y tế xã,  Trung tâm y tế huyện và hỗ trợ test xét nghiệm chẩn đoán nhanh, đồ bảo hộ cho nhân viên y tế.

Với tổng ngân sách cho cả 2 giai đoạn của dự án là 910.000 Euro, tương đương 23 tỷ đồng, trong đó từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ Đức thông qua tổ chức BFDW là 85% và đối ứng của UBND tỉnh, huyện chiếm 15%.  Dự án kỳ vọng sẽ đạt được các mục tiêu về cải thiện điều kiện sống của người nghèo khi chịu tác động của biến đổi khí hậu, hỗ trợ họ tăng thu nhập trung bình của ít nhất 350 thành viên các nhóm cộng đồng lên 25%, giảm tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến vệ sinh và nguồn nước và tăng tính sẵn sàng của cộng đồng và dịch vụ y tế để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

 

Biên tập viên Trung tâm CCHS